Vai trò của Bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội rất quan trọng

Vai trò của Bảo hiểm đối với nền kinh tế – xã hội rất quan trọng

Bảo hiểm Tài Chính

Thực tế trong những năm qua, trên đà phát triển của nền kinh tế đất nước, Bảo hiểm đã ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò của bảo hiểm là một loại hình dịch vụ tài chính mang đến cho người sử dụng nhiều quyền lợi đảm bảo cơ chế an sinh xã hội trong nền kinh tế quốc dân.

Trong những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, những khó khăn, bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra càng khiến cho Bảo hiểm thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế – xã hội đất nước. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế của đất nước có phần thay đổi, nhưng thị trường Bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì tốt mức tăng trưởng, mang đến hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là nhận định của ông Huỳnh Quang Hải – Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Vai trò của Bảo hiểm ngày càng được khẳng định

Thứ nhất là quy mô lớn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 73 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ nước ngoài, với mạng lưới phục vụ khách hàng trên toàn quốc, với gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện, hơn 1 triệu đại lý.  Các chỉ tiêu phát triển của thị trường bảo hiểm như: tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu của các giai đoạn 2016 – 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 19 – 25%. Doanh thu bảo hiểm tương đương 3,5% GDP.

Quy mô lớn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Sản phẩm bảo hiểm được cung cấp tương đối đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo hiểm của người dân. Chất lượng dịch vụ bảo hiểm được tăng cường đáng kể. 

Thứ hai là góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội

Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Những người được bảo hiểm đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. 

Thứ ba là góp phần bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư

Đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài, mọi ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp đến các ngành dịch vụ, với đa dạng loại hình bảo hiểm từ bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải cho đến bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản,…

Đến năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường; và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng. Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Thứ tư là thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế

Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hóa thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao so với các nước trong ASEAN và châu Á, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn từ các lĩnh vực khác nhau thuộc các nước thành viên. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. 

Thứ năm là góp phần thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ

Trong những năm qua, nhiều chính sách bảo hiểm thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực. Điển hình như Chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã hoàn tất giai đoạn thí điểm và bước đầu triển khai ở các tỉnh thành, Chương trình bảo hiểm tàu cá (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP) đã góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bên cạnh đó, Chương trình bảo hiểm thiên tai cũng đang được triển khai nghiên cứu xây dựng, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ gánh nặng của ngân sách nhà nước. 

Ngoài ra, bảo hiểm cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ. 

Góp phần thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ

Dự định tiềm năng phát triển của Bảo hiểm

Trong thời gian tới, dư địa phát triển của bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới; và khu vực đã tạo khoảng cách với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Đặc biệt là khoảng cách giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; so với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS) và các tổ chức quốc tế khác, đây là thách thức không nhỏ.

Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, thị trường bảo hiểm Việt Nam định hướng phát triển với các mục tiêu và giải pháp thực hiện chính như sau:  Mục tiêu đến năm 2025, phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả. Đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân. Bảo đảm an sinh xã hội, doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh. Năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế. Có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực. 

Thứ nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lý

Hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2021. Đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các DNBH; trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực,…Hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Thứ hai là nâng cao tính minh bạch thông tin

Yêu cầu các DNBH công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và tương ứng một cách kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhằm tăng cường kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ về DNBH, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro.

Thứ ba là phát triển các kênh phân phối bảo hiểm

Đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp. Theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm. Tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất.

Dự định tiềm năng phát triển của Bảo hiểm

Thứ tư là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và thanh tra kiểm tra

Từng bước chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước về bảo hiểm từ mô hình quản lý tài chính là Biên khả năng thanh toán 1 sang mô hình vốn trên cơ sở rủi ro để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm, nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn của thị trường, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để hình thành một hệ thống thị trường bảo hiểm đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính.

Thứ năm là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nghiên cứu và hướng tới áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực; phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thị trường. Ban hành các quy định chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực; thông qua hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với khung tiêu chuẩn năng lực. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ của ngành bảo hiểm.

Ngoài các nhóm giải pháp thực hiện nêu trên, cơ quan quản lý bảo hiểm cần tập trung tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp. Tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm. 

Bảo hiểm giúp tạo tâm lý an tâm trong kinh doanh cuộc sống

Khi kinh doanh ngày càng phát triển, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao; thì người ta càng có nhu cầu được đảm bảo an toàn cho tương lai. Môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội đang dần xuất hiện những rủi ro mới. Những rủi ro thiên nhiên như bão lũ, hạn hán, cháy rừng tự nhiên,…Đang trở lên hết sức phức tạp. Đối với sự phát triển kinh tế, bảo hiểm có vai trò như một đòn bẩy tâm lý. Giúp ổn định quá trình đầu tư của các doanh nghiệp, tăng khả năng phát triển đối với nền kinh tế.

Ở một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, thì hệ thống bảo hiểm của nó; cũng phát triển một cách tương xứng để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế. Và ngược lại, một hệ thống bảo hiểm tốt; có thể giúp cho nền kinh tế phát triển đi lên bằng các nghiệp vụ của mình. Đồng thời, bảo hiểm (tất nhiên là bảo hiểm tốt) còn có thể coi đó là một cam kết; một thỏa thuận giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Với những kết quả và định hướng như trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế – xã hội.

Tags: , ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *